Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khá hiệu quả mô hình “hiệp sĩ” thông qua các CLB phòng chống tội phạm. Có lẽ đây cũng là tỉnh duy nhất trên cả nước quan tâm, tổ chức tốt hoạt động này.
Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ “hiệp sĩ”, như: hỗ trợ xe máy phân khối lớn cho một số “hiệp sĩ” nòng cốt, thường xuyên tổ chức huấn luyện võ thuật, chỉ bày những đòn thế để “hiệp sĩ” biết cách khống chế tội phạm hung hãn…
Cũng theo thượng tá Sen, hiện nay, hầu hết các phường, xã của Bình Dương đều có đội phòng chống tội phạm, đây là nơi quy tụ các “hiệp sĩ”. Các đội này hoạt động theo “Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, được chủ tịch tỉnh ban hành vào năm 2013. Trưởng công an cấp xã làm thường trực Ban Chủ nhiệm CLB này, có trách nhiệm trực tiếp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho “hiệp sĩ”. Trường hợp bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, “hiệp sĩ” phải báo ngay cho ban chủ nhiệm và giao người cho công an gần nhất. Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động, các hội viên phải báo ngay cho ban chủ nhiệm để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp xử lý. Quy chế này cũng yêu cầu: “Cơ quan công an khi tiếp nhận tin báo về tội phạm và người bị bắt từ CLB phòng chống tội phạm có trách nhận tiếp nhận ngay để xử lý theo thẩm quyền”.
Cũng theo quy chế đã ban hành, các “hiệp sĩ” Bình Dương nằm trong danh sách CLB phòng chống tội phạm dù không có lương nhưng được hỗ trợ tiền xăng, được khen thưởng khi bắt được tội phạm, được thăm hỏi, điều trị khi bị tai nạn do làm nhiệm vụ. Trong lúc truy bắt các đối tượng phạm pháp gặp tai nạn, thương tích nặng hoặc tử vong thì “hiệp sĩ” được hưởng chế độ chính sách như người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 31/2013 của Chính phủ.
Còn theo một cán bộ tỉnh Bình Dương, việc xét duyệt, cấp thẻ hội viên cho “hiệp sĩ” tham gia các CLB phòng chống tội phạm của phường được thực hiện kỹ càng để loại bỏ những đối tượng muốn mượn danh “hiệp sĩ” để làm việc bất chính (hiện trong nhóm “hiệp sĩ” của phường Phú Hòa trực tiếp đi bắt trộm cướp chỉ có anh Nguyễn Thanh Hải là có thẻ – PV). Riêng các “hiệp sĩ” phường Phú Hòa thời gian tới sẽ được nhận thêm nhiều sự tư vấn, hỗ trợ từ cơ quan công an vì đây là một trong những nhóm hoạt động hiệu quả nhất Bình Dương.
Nguồn 24h